Nhà mạng đã sẵn sàng cung cấp dịch vụ trên IPv6
Đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp cũng đã được cấp đủ lượng địa chỉ IPv6, sẵn sàng về hạ tầng, nhân lực, đủ điều kiện để triển khai cung cấp dịch vụ.
Trao đổi tại sự kiện Internet Day 2016 diễn ra ngày 21/12 tại Hà Nội, ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho hay đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp tại Việt Nam đã được cấp đủ lượng địa chỉ IPv6, IPv6 tại Việt Nam đã sẵn sàng cung cấp cho bất cứ nhà mạng nào cung cấp dịch vụ 4G, ADSL, FTTH, dịch vụ nội dung, dịch vụ IDC Hosting…
Internet Việt Nam đã sẵn sàng về mặt hạ tầng, doanh nghiệp sẵn sàng về nhân lực cũng như đủ các điều kiện để triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 tới người sử dụng. Với IPv6, việc phát triển các dịch vụ mới công nghệ IoT (như nhà thông minh), thiết bị cầm tay… cũng đã sẵn sàng.
Về hạ tầng kết nối, Trạm trung chuyển Internet quốc gia (do Bộ TT&TT thành lập) hiện đang đóng vai trò tích cực là nơi kết nối các doanh nghiệp Internet, kết nối các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, thúc đẩy triển khai IPv6 và chính thức hình thành mạng IPv6 quốc gia.
Trao đổi tại sự kiện, ông Trần Minh Tân cho hay các doanh nghiệp Việt Nam đều đang quyết liệt triển khai, trong đó có thể kể đến FPT Telecom là một trong những doanh nghiệp triển khai quyết liệt.
Trước đó, theo thống kê của Tổ chức quản lý địa chỉ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (APNIC), tính đến tháng 12/2016, số lượng sử dụng IPv6 của Việt Nam đạt trung bình gần 5%, thời điểm cao nhất lên tới 6,28% với hơn 2 triệu người sử dụng, vượt xa so với tỉ lệ truy cập khoảng đầu năm 2016 với 0,05%.
Tính đến 30/11, Việt Nam đã có trên 70 website chạy IPv6 với khoảng 24 website đã triển khai gán nhãn IPv6 ready, bao gồm website của VNNIC, FPT Telecom, Netnam… Hiện cũng đã có hơn 30 doanh nghiệp triển khai dịch vụ IPv6 tới người sử dụng.
Theo thông tin được đưa ra trong các buổi làm việc với Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia mới đây, các doanh nghiệp đều khẳng định đã chuẩn bị kỹ lưỡng công tác đào tạo nhân sự, đầu tư hạ tầng mạng lưới để sẵn sàng quyết liệt triển khai IPv6.
Về thực tế tình hình triển khai, tính đến cuối tháng 10/2016, FPT Telecom đã triển khai được 600.000 IPv6 cho khách hàng FTTH. Đây cũng là một trong những doanh nghiệp có tốc độ triển khai IPv6 nhanh nhất. FPT Telecom phấn đấu cuối năm 2016 hoàn thành mục tiêu chuyển đổi thành công từ 700.000 – 750.000 hộ gia đình sử dụng IPv6.
Phía Tập đoàn VNPT cũng khẳng định từ cuối năm 2016 cung cấp thử nghiệm IPv6 cho khách hàng 4G LTE để đánh giá mô hình cung cấp dịch vụ, đưa ra khuyến nghị với khách hàng về thiết bị đầu cuối hỗ trợ IPv6 để tiến tới năm 2017 có thể cung cấp chính thức.
Viettel dự kiến sẽ triển khai hạ tầng mạng lưới sẵn sàng cung cấp dịch vụ IPv6 cho hơn 636.400 khách hàng băng rộng cố định tại 28 tỉnh vào tháng 12/2016 và đến quý IV/2017 sẽ cung cấp IPv6 cho các khách hàng 4G LTE.
Trong khi đó, MobiFone đã hoàn thành thử nghiệm tính cước cho thuê bao sử dụng IPv6 trong mạng nội bộ, hiện đang trong quá trình xây dựng phương án triển khai thử nghiệm IPv6 cho mạng 4G và tiếp tục hoàn thiện việc triển khai, dán nhãn IPv6 cho website MobiFone Portal vào cuối năm 2016.
Sau thử nghiệm IPv6 thành công cho mạng 4G, MobiFone sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi và triển khai chính thức trong năm 2017.
Theo ICTNEW