Doanh nghiệp nhận định như thế nào về thế hệ người tiêu dùng thông minh
Nắm bắt được hành vi và nhu cầu của người tiêu dùng là chìa khóa quan trọng mở ra bất kỳ cánh cửa nào đến thành công cho doanh nghiệp. Đã qua rồi cái thời chúng ta bán sản phẩm mình có, chính khách hàng đang quyết định việc tạo ra sản phẩm của bạn.
Nói như Steve Jobs: “Anh không thể chỉ hỏi khách hàng xem họ muốn gì và rồi cố đem nó cho họ. Tới lúc anh hoàn thiện nó, họ đã muốn thứ mới mẻ khác rồi”.
Chưa bao giờ chúng ta nói nhiều đến cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo hay internet of things như lúc này. Người tiêu dùng được kết nối với các nhà bán lẻ toàn cầu qua internet. Họ không cần ngồi ở những hàng ghế đầu trong các show thời trang danh giá mà vẫn có thể xem hình ảnh được truyền trực tiếp trên thiết bị di động. Ngành bán lẻ đang tiếp cận khách hàng từng milimet, như Zara, sau 2 tuần trên sàn diễn, mọi thứ đều sẵn sàng để bán cho khách hàng tại cửa hàng, lượng tồn kho được kiểm soát nghiêm ngặt, thúc đẩy khách hàng mua sắm sản phẩm mới liên tục.
Khách hàng “khó tính” thời đại số
Thế hệ Y đang ở trong độ tuổi làm ra tiền và chi tiêu tiền. Không giống thế hệ bố mẹ mình, những người sinh trong giai đoạn 1981 – 2000 có xu hướng tiêu nhiều tiền hơn cho sở thích cá nhân. Đúng như khẩu hiệu của thế hệ 8x, 9x: “Yolo đi” (You only live once) – chúng ta chỉ sống một lần trong đời, hãy sống hết mình. Chính vì thế mà thay vì gắn bó với một công việc quá lâu, họ sẵn sàng nhảy việc để học hỏi nhiều hơn. Họ không muốn làm ra tiền để tiết kiệm tiền mà là chi nhiều tiền hơn để có động lực kiếm tiền nhiều hơn.
Sinh ra trong giai đoạn đầu của nền công nghệ số. Thế hệ Y sớm tiếp xúc và làm quen với các thiết bị di động, phương tiện truyền thông, mạng xã hội…Dễ hiểu vì sao họ thích mua sắm và thực hiện các giao dịch qua mạng một cách nhanh chóng và tiện lợi. Nhờ vậy, thương mại điện tử (TMĐT) đã ra đời, đẩy nền kinh tế sang một hướng mới, chuyển từ kinh doanh truyền thống sang kinh doanh online.
Theo thống kê mới nhất của Nielsen, TMĐT mang đến 20% doanh thu trong ngành bán lẻ. Cũng trong báo cáo này, thế hệ Y (21-34 tuổi) là những người mua sắm chính. Có đến 49-59% sử dụng các trang tìm kiếm online. 52 – 63% mua sắm online.
Nhiệm vụ của những nhà tiếp thị là tìm cách tiếp cận khách hàng và truyền thông điệp đến cho họ. Nhưng bạn đã thật sự hiểu người dùng của mình? Và bạn đã tiếp cận họ đúng cách?
“Nếu 10 năm trước có ai nói đến thực tế ảo, thiết bị thông minh với kho dữ liệu khổng lồ là gì đó quá xa vời thì giờ đây tất cả đã hiện thực hóa và là xu hướng tất yếu trong tương lai. Cũng như khái niệm điện thoại thông minh sẽ trở nên lỗi thời, mà chỉ còn nhà thông minh, robot thông minh. Tương tự vậy, hành vi người dùng sẽ thay đổi thích ứng theo. Mà nếu không đầu tư hôm nay thì chi phí DN bỏ ra sau này sẽ đắt hơn gấp 100 lần trong cuộc chạy đua chiếm giữ túi tiền khách hàng”- ông Nguyễn Văn Ninh, Giám đốc kinh doanh công ty quảng cáo Clover chia sẻ.
Tiếp cận đa kênh
Theo báo cáo hành vi người tiêu dùng online Việt Nam 2016 của Google, 87% người Việt sử dụng internet hằng ngày cho mục đích cá nhân, trong đó 85% để tìm kiếm thông tin với thiết bị điện thoại nhiều hơn thay cho máy tính. Trong đó, 54% người dùng internet để xem video online.
Còn tại điểm bán lẻ, thay vì những phướn treo, loa âm thanh bình thường, người dùng chú ý nhiều hơn vào các dạng màn hình digital poster (DP) hoặc dạng màn hình LCD chiếu các đoạn TVC giới thiệu sản phẩm kết hợp với những chương trình khuyến mãi tại chỗ hoặc online thúc đẩy mua hàng.
Trên hết, các nhãn hàng cạnh tranh muốn đưa tới tay người dùng không chỉ là bài toán giá thành, mẫu mã hay kênh phân phối mà còn là sự nhạy bén trong chiến lược tiếp cận đa kênh trong suốt hành trình đưa đến quyết định mua hàng cuối cùng.
“Chìa khoá” trải nghiệm mới
Câu chuyện một ngày bác xe ôm dắt xe ra kiếm khách và gần như chỉ thấy mọi người chọn chú xe ôm mặc áo xanh, đến câu chuyện thành công của Grab đã trở nên quá quen thuộc với mọi nhà. Nhưng đáp án thật sự không phải ở chỗ chi phí thấp, tất nhiên đó là một yếu tố nặng cân, mà chính ở trải nghiệm của người dùng về sự tiện lợi: tiện lợi trong lựa chọn đặt chuyến, tiện lợi trong việc chọn giá, tiện lợi trong việc đưa đón bảo đảm. Một trải nghiệm hoàn toàn mới dựa trên sự hỗ trợ của phát triển công nghệ chính là chìa khóa tương lai marketing.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ở nhiều nước phát triển và ở Việt Nam khái niệm này đang manh nha nhưng thực tế đã đang trong tiến trình ảnh hưởng rõ nét. Các DN cần làm gì để nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng này? Liệu DN của bạn có thức thời hay sẽ bị bỏ lại phía sau? Đó vẫn đang là đề tài được thảo luận nhiều nhất trên khắp các diễn đàn doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của mô hình kinh doanh truyền thống những năm gần đây đã cảnh báo một tương lai không xa, nếu không thay đổi, DN của bạn sẽ bị tụt hậu và nuốt chửng trong kỷ nguyên số đã và đang diễn ra từng phút
Nguồn enternews.vn