Mạng lưới vạn vật kết nối internet: Nền tảng công nghệ thông tin cho thành phố thông minh
Mạng lưới vạn vật kết nối internet (Internet of Things – IoT) là một xu hướng công nghệ thông tin mới trên thế giới, khi mà mỗi đồ vật, con người được cung cấp một định danh của riêng mình. Tất cả có khả năng truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu qua một mạng duy nhất mà không cần đến sự tương tác trực tiếp giữa người với người hay người với máy tính. Đối với tỉnh Bình Dương, một địa phương đang hướng đến thành phố thông minh trong tương lai, hiện nay về cơ bản hạ tầng viễn thông bảo đảm cho việc triển khai IoT.
Với hạ tầng hoàn chỉnh và triển khai nhiều dịch vụ trên internet, tới đây Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam sẽ góp phần vào việc triển khai IoT trong xây dựng thành phố thông minh của tỉnh Bình Dương Ảnh: HOÀNG PHẠM
Xu hướng công nghệ thông tin cho thành phố thông minh
Hiện nay, các sáng kiến thành phố thông minh trên khắp thế giới đang tập trung ngày càng nhiều vào IoT. Nhiều chuyên gia nhận định rằng nếu sử dụng các giải pháp IoT phi tiêu chuẩn thì chi phí cho việc triển khai các thành phố thông minh trên toàn cầu có thể lên tới con số 1.120 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó, nếu sử dụng các giải pháp IoT đạt chuẩn thì chi phí này chỉ là 781 tỷ USD, tức là giúp các quốc gia tiết kiệm được 341 tỷ USD.
Ông Matteo Vezzosi, Giám đốc Kinh doanh cao cấp của Công ty NXP Semiconductors (Hà Lan), cho biết với hệ thống IoT, chúng ta có thể áp dụng vào những lĩnh vực như quản lý chất thải, quản lý đô thị, giao thông, phản hồi trong các tình huống khẩn cấp, mua sắm thông minh… Chẳng hạn lấy thiết bị thu hình giám sát làm ví dụ, nó có thể tự động truyền tải thông tin về tình trạng giao thông sang một hệ thống khác có khả năng đưa ra gợi ý ngay lập tức cho các tài xế trong khu vực cần chuyển sang tuyến đường khác. Tại châu Âu, từ năm 2007, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra và bắt đầu thực hiện một loạt mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, trong đó đều hướng đến sử dụng IoT làm nền tảng công nghệ.
Những kinh nghiệm của các nước EU trong việc cải thiện giao thông, tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là những bài học bổ ích đối với các quốc gia khác. Đối với châu Á, nhiều nước như Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Hàn Quốc, Singapore… cũng đã tiến hành áp dụng IoT trong việc xây dựng và phát triển thành phố thông minh. Tại Hàn Quốc, từ năm 2003, Chính phủ nước này đã đề ra chiến lược phát triển mang tên “U-Korea”. Chiến lược phát triển này sử dụng hệ thống cảm biến không dây để thúc đẩy việc số hóa các tài nguyên, kết nối mạng, dễ sử dụng, thông minh và đã làm thay đổi đáng kể xã hội và sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc.
Bình Dương đáp ứng được việc triển khai IoT
Khi triển khai IoT thì hạ tầng viễn thông đóng một vai trò quan trọng trong việc lưu trữvà truyền tải thông tin. Đối với tỉnh Bình Dương, hiện tại cơ sở hạ tầng viễn thông đã phát triển và về cơ bản sẽ đáp ứng được việc triển khai IoT. Tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 8 doanh nghiệp viễn thông tham gia xây dựng hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông như Viễn thông Bình Dương, Viettel… Bên cạnh đó, hệ thống cáp quang đã thay thế hệ thống cáp đồng và được triển khai tới tận các xã, đáp ứng được những dịch vụ như internet tốc độ cao, truyền hình IpTV… và có 1.928 vị trí cột anten thu phát sóng di động của Viettel, Mobifone, Vinaphone, Vietnammobile và Gmobile.
Ông Phan Thanh Nam, Trưởng phòng Bưu chính – Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết hiện nay hệ thống viễn thông trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả, phục vụ tốt công tác phát triển kinh tế – xã hội, phòng chống thiên tai và bảo đảm quốc phòng – an ninh. Ngoài ra, hệ thống viễn thông của tỉnh cũng đã đáp ứng điều kiện cần thiết để phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử ở địa phương, cũng như đáp ứng được nhu cầu sử dụng dịch vụ đa dạng của người dân và doanh nghiệp.
Qua các buổi làm việc tại Bình Dương của Đoàn công tác thành phố Eindhoven (Hà Lan), tiếp xúc giữa Tổng Lãnh sự Hà Lan tại TP.Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp Hà Lan với lãnh đạo tỉnh Bình Dương thời gian qua, đa số đều đánh giá cao việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông của Bình Dương và đây cũng là nền tảng để triển khai thành phố thông minh.
Ông Simon Van Der Burg, Tổng Lãnh sự Hà Lan tại TP.Hồ Chí Minh, cho rằng giữa Bình Dương và thành phố Eindhoven đã có những bước tiến quan trọng trong hợp tác như có những chuyến thăm giữa lãnh đạo 2 thành phố; đại diện các doanh nghiệp 2 bên cũng đã có các chương trình kết nối để hợp tác, đầu tư… Với những bước phát triển của Bình Dương về cơ sở hạ tầng, viễn thông sẽ giúp cho địa phương xây dựng thành phố thông minh được nhanh hơn.
“Bình Dương có điều kiện xuất phát tốt để xây dựng thành phố thông minh. Bình Dương cũng là địa phương có kinh tế tăng trưởng khá cao trong cả nước, thu hút được nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực, trong đó có hạ tầng viễn thông. Do đó, việc Bình Dương xây dựng thành phố thông minh dựa trên IoT là thuận lợi và hợp lý”, ông Peter Portheine, Giám đốc Tập đoàn Brainport (Hà Lan) nhận định.
Theo ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, một thành phố thông minh không thể thiếu ứng dụng công nghệ thông tin ở quy mô rộng rãi và hiện đại. Sẽ cần rất nhiều giải pháp, xu thế công nghệ được nghiên cứu, triển khai vào mọi mặt của đời sống như giao thông thông minh; đèn chiếu sáng thông minh; bãi đậu xe thông minh, ngôi nhà thông minh … Các dịch vụ cho người dân, kể cả hành chính công cũng sẽ là dịch vụ thông minh, chứ không dừng lại ở mức dịch vụ điện tử.
Theo Báo Bình Dương